Cập nhật thông tin chi tiết về Một Số Tập Tục Tín Ngưỡng Trong Nghề Buôn Ở Hội An mới nhất trên website Iseeacademy.com. Hy vọng nội dung bài viết sẽ đáp ứng được nhu cầu của bạn, chúng tôi sẽ thường xuyên cập nhật mới nội dung để bạn nhận được thông tin nhanh chóng và chính xác nhất.
+ Tục thờ thần Tài và thổ địa tại các gia đình có buôn bán: Thần tài cụ thể được thờ phổ biến là Ngũ phương ngũ thổ long thần và Tiền hậu địa chủ Tài thần, Phước Đức Chính thần. Hiện nay, vẫn còn một số nhà trong Khu phố cổ còn trang thờ Phước Đức Chính thần, trong đó đáng chú ý là trang thờ được xây áp tường ở nhà 77 Trần Phú. Còn lại đa số các nhà buôn đều lập trang thờ thổ địa – thần tài bằng gỗ, thiết đặt ở nền đất gian trước của hiệu buôn, mặt trang thờ quay theo hướng mặt tiền. Lễ vật đặc trưng là tỏi để trừ tà kèm với một số lễ vật được thời đại hóa là thuốc lá, cafe. Đi kèm với thờ thần tài thì vào ngày mồng 2, 16 âm lịch hàng tháng người buôn bán lâu năm ở Hội An có lễ thắp hương, cúng cầu mua may bán đắt. Gần đây, vào mùa Trung thu, ngày 16/8 âm lịch – ngày thần tài của tháng 8, một số nhà buôn còn mời Lân, Thiên cẩu vào cửa hiệu để múa cầu may.
+ Tục thờ thần bảo hộ thuyền buôn, ghe bầu: Trên các ghe bầu nội địa thường có thờ Bà Thu Bồn, Bà Phường Chào hoặc Bà Chúa Ngọc. Những ghe bầu buôn đường biển của người Việt thờ Bà Đại Càn, Bà Thủy Long, Quan Thế âm Bồ Tát, đây là những vị thần thường phò trợ cho họ khi gặp nạn. Các thương thuyền của người Hoa thì thờ Thiên Hậu Thánh mẫu, Quan Âm bồ tát. Ở cộng đồng thì tại miếu vạn ghe bầu ở Cẩm Nam có thờ Bà Đại Càn, Nam Hải cự tộc Ngọc lân tôn thần, những vị thần này cũng là những vị thần phò trợ cho ngư dân trên biển khi hành nghề, gặp nạn. Tuy nhiên tục thờ thần bảo hộ của nghề buôn ghe bầu ở trên ghe không còn nữa.
+ Tục vay vốn các thần để buôn bán, làm ăn: Ở Hội An hiện nay, vào đầu năm và vào các dịp lễ Tết quan trọng, những người làm nghề buôn bán thường đến các đền miếu, hội quán có thờ thần bảo trợ như Thiên hậu Thánh mẫu, Quan Công, thờ Tài thần, thờ Bà chúa tiên để xin vay một ít tiền làm vốn buôn bán. Tục lệ này rất phổ biến trong cộng đồng người Hoa, bà con làng Minh Hương xưa và cả đối với người Việt bôn bán lâu năm ở Hội An. Tục lệ này diễn ra sôi động trong Tết Nguyên Tiêu vào ngày 16 tháng Giêng âm lịch hàng năm ở Quan Công miếu, Hội quán Phước Kiến, Quảng Triệu, Triều Châu.
+ Tập tục cầu may: Vào đầu năm đến các di tích tín ngưỡng có thờ phúc thần để xin lộc, vay tiền cầu may. Cúng Thần linh, cầu may vào ngày sóc, vọng (mồng 1, rằm hàng tháng âm lịch); cúng Thần tài, Thổ địa cầu may vào ngày 2, 16 âm lịch hàng tháng; mời đầu Thiên cẩu, Lân múa trừ tà để cầu may vào dịp Lễ tết, Lễ Khai trương, vào tết Trung thu. Tục cúng/thắp hương mở hàng đầu năm, đầu ngày. Tục chọn ngày tốt để khai trương, mở hàng. Hiện nay, người buôn bán ở Hội An thường chọn ngày chẵn của tháng Giêng với điều kiện ngày đó không quá xấu để mở cửa hiệu buôn bán, hoặc xuất hành hành nghề cho cả năm.
Ở các hộ buôn bán tại vùng nông thôn, thuộc các làng nghề, các làng quê, các tục trừ tà, xui rủi bằng cách xông thảo mộc (giác, hương, gai chanh, các thảo mộc khác…) khi liên tục bị xui rủi trong kinh doanh, tục kiêng kỵ bước qua đòn gánh, úp nón lên gánh hàng, coi trọng bàn tính, mất lợi đầu năm, đầu ngày (me xưa, mở hàng) vẫn được duy trì.
Nhìn chung các tập tục tín ngưỡng này là kho tàng di sản văn hóa phi vật thể, thể hiện sự tâm lý cũng như sự thịnh vượng một thời của nghề buôn Hội An. Hiện nay, di sản văn hóa này đang được bảo tồn và phát huy tốt trong đời sống hành nghề buôn bán cũng như trong các lễ hội văn hóa ở Hội An, góp phần tạo nên nét đặc trưng văn hóa của một đô thị từng là thương cảng quốc tế sầm uất một thời.
Tín Ngưỡng Lạ Ở Hội An
Đã thành lệ, mỗi buổi sáng, các nữ nhân viên bán hàng ở Hội An thường áp mặt tượng thần tài vào ngực mình để cầu mong một ngày mua may bán đắt. Tín ngưỡng lạ này được các tiểu thương ở đây lưu truyền từ vài trăm năm nay.
Thường thì mỗi buổi sáng, chủ cửa hàng hoặc nhân viên bán hàng phải tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc gọn gàng. Người thực hiện thắp hương và khấn để thần tài về chứng giám, sau đó đưa tượng thần tài vào một nơi vắng vẻ để thực hiện nghi thức.
Một nữ nhân viên bán hàng quần áo ở Hội An cho biết: “Em cũng không biết tục kỳ lạ này có từ bao giờ nhưng chủ cửa hàng yêu cầu phải thực hiện việc này vào mỗi buổi sáng để cầu may. Mới đầu vào làm em cảm thấy rất ngại nhưng dần rồi cũng quen. Bắt đầu làm việc với tâm thế may mắn cũng giúp tâm lý làm việc thoải mái hơn.”
Khi được hỏi về tục lệ lạ này – cụ Hương (86 tuổi) chia sẻ: “Cái lệ này đã có từ từ xưa đến nay, từ thời bà của tôi cũng đã có rồi. Có người bảo tục này là của người Nhật, nhưng cũng có người bảo đây là tục của người Hoa… Người dân buôn bán ở đây xem đó là một điều thiêng liêng và là một nét văn hóa buôn bán của người Hội An.”
Theo những gì cụ Hương chia sẻ, ngày trước các chủ cửa hàng lớn còn thuê những cô gái còn trinh tiết để thực hiện nghi thức này. Bởi trong quan niệm thời xưa, thần tài là một người rất mê gái. Những cô gái được thuê làm nghi thức này còn phải hợp tuổi, hợp mạng với chủ nhà và một số yêu cầu khác.
“Nghi thức này là nét tín ngưỡng phồn thực trong văn hóa dân gian. Xét ở góc độ văn hóa, nghi thức này được gọi là “hèm” – là những nghi thức kín đáo để tôn kính, thỏa mãn vị thần tài lộc. Những ai làm lộ hèm thì sẽ mất thiêng. Tín ngưỡng thờ thần tài thể hiện ước vọng của người thương gia mong muốn tài lộc được sinh sôi. Thế nhưng chuyện kinh doanh ngày này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau mà có lẽ thần tài cũng phải… bó tay.” – ông Phùng Tấn Đông – nhà nghiên cứu văn hóa Hội An bày tỏ quan điểm.
Cũng chẳng có ai chứng minh được rằng nếu không làm cái lệ ấy thì buôn bán ế ẩm nhưng cứ đời trước truyền cho đời sau đã thành ra một cái lệ phổ biến và là một nét văn hóa “lạ” ở phố cổ Hội An.
Ms.Smile
Lễ Nghi Thờ Cúng Trong Tín Ngưỡng Thờ Mẫu Ở Việt Nam
Trước hết, chúng ta cần phân biệt các khái niệm : Chùa, đền, đình, miếu, nhà Thánh, nhà thờ…
Chùa là nơi thờ Phật. Đền là nơi thờ Thánh ( gồm 2 giòng chính, đền thờ Thánh Mẫu và đền thờ Đức Thánh Trần). Miếu là nơi thờ Thành Hoàng, Thổ Công. Nhà Thánh là nơi thờ Khổng Tử. Nhà thờ là nơi thờ Thánh tổ của các đạo giáo, tổ phụ, gia tiên của các giòng họ. Đình là nơi để họp làng không phải chỗ thờ cúng, nhưng do điều kiện kinh tế của các địa phương, có nơi cũng đưa việc thờ cúng vào đình làng. Đó là trường hợp ngoại lệ.
Do mục đích khác nhau nên lễ nghi thờ cúng ở đền, chùa, miếu, nhà Thánh, nhà thờ…cũng khác nhau.
Ở chùa và ở nhà thờ các đạo giáo nghi thức chủ yếu là đọc kinh, hành lễ, ban phước. Đền là nơi thờ cúng các vị có công với dân, với nước, được nhân dân và các triều đại ban sắc, phong Thánh. Đó là những vị Thánh của dân tộc Việt Nam, ngự trị trong tâm linh, tâm hồn của người Việt, được người Việt từ thế hệ này qua thế hệ khác ngưỡng mộ, tôn thờ.
Nghi thức thờ cúng trong các đền thờ Thánh Mẫu được gọi là hầu.
Hầu có 2 dạng : hầu bóng (còn gọi là hầu mát) và hầu đồng.
Hầu bóng là nghi thức thờ cúng đơn thuần, người hầu thực hiện các nghi lễ theo trình tự bài bản từ xưa để lại. Hầu đồng, cũng diễn ra theo các trình tự như hầu mát, nhưng được quan niệm là người hầu đã có phần hồn của các vị Thánh giáng vào, nhập.vào.
(Bài viết này chỉ viết về các thủ tục, lễ nghi, nghi thức hầu mát ở các đền thờ Thánh Mẫu, chưa đề cập đến hầu đồng vì đấy là một vấn đề phức tạp không dễ trình bày trong một bài báo ngắn).
Như trên đã nói, đền thờ Thánh ở Việt Nam chia làm 2 hệ thống : Một hệ đền thờ Thánh Mẫu, và một hệ đền thờ Hưng Đạo Đại Vương và các tướng lĩnh, gia thân của nhà Trần. Hai hệ đền thờ ấy, người Việt còn gọi một cách thân mật giản dị là đền thờ Cha và đền thờ Mẹ. Trong các đền thờ Thánh Mẫu thì đứng đầu là Mẫu Đệ Nhất (công chúa Liễu Hạnh). Tiếp đến là Mẫu Đệ Nhị ( còn gọi là Mẫu Thượng Ngàn), Mẫu Đệ Tam ( còn gọi là Mẫu Thoải Phủ)… tiếp đến các Chầu ( tức là các Mẫu thuộc các dân tộc thiểu số anh em), từ Chầu Bà đến Chầu Bé, 12 Chầu. Sau 12 Chầu là 12 quan lớn cũng gọi théo thứ tự Quan Lớn Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam…Sau 12 Quan Lớn là 12 ông Hoàng, gọi théo thứ tự Hoàng Nhất, Hoàng Đôi, Hoàng Bảy, Hoàng Mười…Các Quan Lớn, các Ông Hoàng đều có thần phả, một số vị còn có gốc tích nhân thần, quê quán, sắc phong của các triều đại. Ví dụ, ông Hoàng Bảy có đền thờ riêng ở Lào Cai, ông Hoàng Mười ở Nghệ An…v.v.. Sau các ông Hoàng là các Cô, các Cậu. Các Cô, các Cậu cũng là những nhân vật lịch sử, một số vị còn có đền thờ riêng ở các địa phương trong nước. Ví dụ : Cô Bơ có đền thờ ở Thanh Hóa, Cậu Út có đền thờ ở Cửa Sót, Hà Tịnh…
Như trên đã nói, nghi thức thờ cúng trong các đền thờ Thánh Mẫu ở Việt Nam được gọi là hầu. Chữ hầu này cũng có nghĩa như chữ hầu dùng trong giao tiếp thường ngày, ví như khi ta nói, hầu ông, hầu bà, hầu cha, hầu mẹ, hầu vợ, hầu chồng, hầu quan… chẳng hạn. Trong nghi thức thờ cúng ở các đền thờ Thánh Mẫu, chữ hầu này có nghĩa là hầu Mẫu, hầu Thánh. Khi nói đến chữ Hầu là ta nói đến nghi thức thờ cúng ở trong các đền thờ Thánh Mẫu. Trong đền thờ Thánh Mẫu , thay vì việc đọc văn thì người hầu Thánh sẽ hát văn (còn gọi là hát chầu văn), Thay vì việc cúng bái, người hầu Thánh lại biểu thị bằng các động tác múa – Những động tác múa được cách điệu từ đời sống lao động thường ngày như múa chèo thuyền, múa đi ngựa, múa gươm, múa đao, múa chăn tằm dệt vải, múa ” lên rừng hái lộc tìm hoa”…v.v…
Như vậy, có thể nói, nội dung của nghi thức hầu thánh lại chính là hát và múa. Đó là những làn hát, những điệu múa dân gian đã được thời gian thử thách, chọn lọc và đã tồn tại lâu dài, bền vững nghìn năm trong lịch sử dân tộc, tiếp nối từ đời này qua đời khác. Có thể khẳng định chắc chắn rằng, các làn hát, các điệu múa ấy đã góp phần quan trọng để làm nên các giá trị trong tổng thể tinh hoa văn hóa cổ truyền của dân tộc. Nghi thức thờ Mẫu là nghi thức thờ cúng rất độc đáo, rất đặc sắc của văn hóa Việt và cũng chỉ người Việt mới có. Chính vì lẽ đó mà năm nay, Ủy ban văn hóa Unesco của Liên hiệp quốc đã công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu của Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Tuy nhiên, giá trị văn hóa của các nghi thức thờ cúng trong các đền thờ Thánh Mẫu không chỉ có thế. Nghi thức thờ cúng trong tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam là một tập hợp bao gồm nhiều giá trị văn hóa tổng hợp. Chẳng hạn, văn hóa bài trí, văn hóa phục trang, văn hóa ẩm thực …v.v..
Về văn hóa ẩm thực trong các cỗ cúng ở các đền thờ, tôi nói thêm đôi nét về “mâm sơn trang” trong lễ nghi thờ Mẫu.
Mâm sơn trang là để cúng Mẫu Thượng Ngàn và 12 Bà Mụ. Trong lễ nghi thờ Mẫu, mâm sơn trang phải bày đủ sản vật tiêu biểu của rừng và biển : Cơm lam, chè và, măng giang, bánh đa, bánh đúc, bún lá, xôi cẩm, cá luộc, trứng luộc, cua bể, cua đồng, ốc luộc, tôm luộc, thịt heo nướng, muối vừng, muối lạc, tương ớt, nước chẻo… Người hầu Mẫu, dâng mâm sơn trang cúng Mẫu, nói chung đều phải cố gắng sắm đủ lễ vật nói trên. Thoảng hoặc, một đôi người vì lý do nào đó, có lúc làm thiếu đi một vài món trong các món kể trên thì cũng không sao. Theo quy định từ xưa, khi cúng xong, người hầu Thánh phải đem mâm sơn trang ra để mời khách thập phương đến dự lễ ăn uống. Người xưa quan niệm rằng, mọi lễ vật thờ Thánh khi cúng xong phải phát hết cho khách thập phương ( gọi là tản lộc). Ai tham lam giữ lại cho mình là không được hưởng phúc lộc Thánh ban. Về trang phục, nếu để ý, chúng ta sẽ thấy trang phục của người Việt từ thời thượng cổ vẫn được bảo tồn, tái hiện gần như nguyên vẹn trong các giá hầu. Mỗi giá hầu có một bộ trang phục riêng. Mỗi bộ trang phục riêng lại kéo theo một cách ăn mặc riêng. Cái khăn mỏ quạ khác cái khăn piêu nên cách vấn khăn của các Chầu, các Mẫu cũng rất khác nhau. Các Mẫu đi giày, đi hia. Các Chầu quấn chân bằng xà cạp. Cô Bơ mặc áo trắng, tóc bỏ đuôi gà. Cô Cam Đường mặc áo tứ thân màu nâu tím, chit khăn mỏ quạ, gánh vải đi bán. Nói tóm lại, cân đai, giày mũ, khuyên vàng, vòng bạc, tram cài, lược dắt, mỗi người mỗi khác. Trong đền thờ Thánh Mẫu, có những người chuyên nghề phục trang cho các giá đồng. Họ rất thông hiểu về văn hóa lễ nghi trong trang phục truyền thống. Có những “bản hội” đến đền hầu liệt giá. Chúng ta có thể đếm được 43 giá đồng với 43 cách ăn mặc khác nhau. Thông thường hiện nay, người hầu Thánh chỉ hầu 12 giá tùy vào “căn kiếp” của người hầu mà chọn lọc các giá hầu. Trong một cuộc hầu Thánh, người hát văn hát thỉnh, hát mời cả 43 giá đồng nhưng người hầu tùy ý lựa chọn. Nếu giá nào không hầu thì người hầu đưa tay lên đầu nắm lại, ra hiêu cho người hát văn biết để hát câu ” xe loan Thánh giá hồi cung”. Ngoài ra, hai người chuyên hầu trà, rượu, thuốc, nước cũng phải học cách rót rượu, dâng trà, cầm hương, che quạt một cách chính tắc, có bài bản, tuân thủ lễ nghi phong tục cổ truyền biểu hiện trong từng động tác, từng cử chỉ mang tính văn hóa cao. Như đã nói, Lễ nghi thờ cúng trong các đền thờ Thánh Mẫu có nội dung chủ yếu biểu hiện ở khâu hành lễ. Vào buổi lễ, trước hết, người chủ tế đọc ” kinh thỉnh”, ” kinh báo cáo”. ” Kinh” này nêu rõ lý do thờ cúng, ai thờ cúng, thờ cúng những ai, với mục đích gì trong buổi hành lễ này? Nghi thức này được làm rất trang trọng. Có chiêng trống, có thông xướng, có chủ tế, phụ tế. Có hát thỉnh, hát mời. Lễ này thường kéo dài 3 tiếng đồng hồ. Có nơi nghi thức đó được làm vào ban đêm, để đèn nến suốt sáng, rạng ngày hôm sau mới vào cuộc hầu. Vào cuộc hầu, người hầu xưng tên tuổi danh tính, xin Thánh cho hầu bằng cách “khất âm dương”. Thường thì người hầu cứ xin mãi cho đến khi được ” Thánh chấp thuận”, không thấy ai bị bỏ dở cuộc hầu. Ở đền thờ Thánh Mẫu, người hầu Thánh không làm việc “cúng bái” như việc cúng đơm trong gia tiên hay nhà thờ họ. Người hầu hành lễ theo cách “lạy bước”. Đầu tiên, người hầu quỳ xuống, cấm 5 cây hương, vái 5 vái ở chính điện, 1 vái bên tả, 1 vái bên hữu. Sau đó tiếp tục 5 lễ. Cụ thể : Người hầu đứng lên, lùi chân trái về phía sau, lùi chân phải ngang chân trái để định vị. Sau đó đưa chân trái tiến lên, đưa chân phải định vị, vái 5 vái ở chính điện và 1 vái hai bên tả, 1 vái bên hữu. Tiếp tục tiến lên, lùi lại như vậy 5 lần, gọi là 5 lễ. Sauk hi cử hành 5 lễ, người hầu quỳ xuống, người phục vụ trùm tấm khăn đỏ lên đầu. Bạn nhác và những người hát văn bắt đầu hát bài hát văn giá Mẫu. Người hầu lần lượt hầu các giá Mẫu, giá các Quan lớn, các ông Hoàng, các Cô, các Cậu, các Chầu…Những người phục vụ quỳ hai bên tả hữu của người hầu để thay đổi trang phục, dâng trà nước, nhắc nhở người hầu thực hiện các động tác múa cho phù hợp với các giá hầu. Sau mỗi giá, người phục vụ ( còn gọi là hầu dâng) nhắc nhở người hầu ” phát lộc” cho cung văn và khách thập phương đến dự lễ. Người hầu Thánh thực hiện các động tác múa cổ truyền được quy định cho từng giá đồng. Tiếng nhạc ngựa, tiếng gươm khua, tiếng mái chèo quẫy nước vô cùng sôi động. Đặc biệt hơn cả là điệu múa ” lên rừng hái lộc tìm hoa” của Chầu Bà và Chầu Bé được tất cả mọi người đến dự lễ cùng vỗ tay và hát tập thể. Ánh sáng từ các cây đăng trên tay của Chầu soi sáng tất cả mọi gương mặt để ban cho họ một sức khỏe mới, một tinh thần mới, từ uy linh của các Thánh. Hầu như ai đến dự lễ cũng cảm thấy như bản thân mình vừa được các Mẫu, các Thánh truyền cho ánh sáng của sự lạc quan, yêu đời, rất lạ lung và mới mẻ.
Lễ nghi thờ Mẫu là lễ nghi của người Việt Nam thờ Thánh Việt Nam theo tín ngưỡng Việt Nam. Lễ nghi và tín ngưỡng này có từ thời Mẫu hệ, được lưu truyền, kế thừa và phát triển trong tiến trình lịch sử lâu dài của dân tộc.
Cũng theo tiến trình lịch sử, Thánh Việt Nam ngày một nhiều thêm, đền thờ Thánh cũng tăng dần theo lòng tôn kính của nhân dân với các anh hùng dân tộc, người có công với dân, với nước. Đền thờ Thánh Mẫu ở Việt Nam là bảo tàng văn hóa sống động, đa chiều, đa dạng như trên đã nói. Nghi thức thờ cúng ở trong đền thờ Thánh Mẫu là hầu. Hầu là nghi thức thờ cúng rất đặc sắc, rất có văn hóa, rất đáng quan tâm, nghiên cứu, kế thừa, phát triển. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ phong tục cổ truyền tốt đẹp của dân tộc, đền chùa còn có những đóng góp rất quan trọng trong việc hấp dẫn khách tham quan du lịch. Việt Nam muốn là ” điểm đến của thiên niên kỷ mới” càng cần phải nghiên cứu, kế thừa lễ nghi thờ cúng trong các đền Thánh Mẫu nhất là khi tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu của chúng ta đã được cả thế giới công nhận là di sản văn hóa của nhân loại. Có một số người chỉ đại khái nghe đến chữ hầu liền phán ngay là mê tín dị đoan, trong khi chính bản thân mình chưa hề để tâm nghiên cứu.
Văn hóa lễ nghi, văn hóa tâm linh, là những khái niệm khó, đòi hỏi mỗi người phải có “con mắt xanh” để nhìn nhận, để trân trọng và nâng niu gìn giữ những di sản, những vốn văn hóa quý hiếm trong đời sống tâm linh, tâm hồn của dân tộc. Hiện nay, théo ước tính, có người nói là Việt Nam có gần 7000 vị Thánh. Thánh phả Việt Nam chưa được nghiên cứu, chưa có phả hệ rõ ràng. Việt Nam trên thực tế vẫn có hàng ngàn đền thờ Thánh. Lễ nghi thờ cúng trong các đền thờ cũng còn nhiều tùy tiện. Mong các nhà văn hóa, các nhà nghiên cứu lưu tâm hơn nữa đến các vấn đề này. Lễ nghi thờ cúng trong tín ngưỡng thờ Mẫu của chúng ta cần được tiếp tục nghiên cứu để phát huy giá trị của nó, cao hơn, đẹp hơn, hữu ích hơn, xứng tầm với một di sản văn hóa độc đáo và quý hiếm đã được cả nhân loại vinh danh, công nhận.
Địa chỉ tác giả : Thạch Quỳ, hội văn nghệ Nghệ An, 6 Đào Tấn, TP Vinh, Nghệ An.
Tín Ngưỡng Thờ Cúng Tổ Tiên Ở Việt Nam
Thờ cúng tổ tiên có một vị trí quan trọng trong đời sống gia đình và xã hội Việt Nam. Đây là cách thể hiện lòng biết ơn và sự tri ân với những người đã khuất. Theo quan niệm, những người đã khuất thường xuyên can dự vào cuộc sống hiện tại, họ hướng dẫn, chỉ đạo, che chở cho chúng ta, bảo vệ chúng ta… Cho đến nay, hiện tượng thờ cúng tổ tiên còn tồn tại ở nhiều quốc gia, dân tộc. Tuy vậy, vị trí và vai trò của nó trong đời sống tinh thần của con người ở mỗi nơi mỗi khác. Ở một số quốc gia, thờ cúng tổ tiên có vai trò mờ nhạt trong đời sống tinh thần cộng đồng, nhất là những quốc gia và dân tộc đưa một tôn giáo thành độc tôn, nhất thần. Nhưng ở những quốc gia đa, phiếm thần thì thờ cúng tổ tiên có vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của mỗi cá nhân, cộng đồng, xã hội. Ở Việt Nam, hầu hết mọi người đều thờ cúng tổ tiên kể cả những tín đồ của một số tôn giáo. Mọi người quan niệm tín ngưỡng này vừa như là một phong tục truyền thống, vừa như một đạo lý làm người, lại vừa như một hình thức sinh hoạt tâm linh.
1. Đối tượng của thờ cúng tổ tiên
Ở Việt Nam, đối tượng của thờ cúng tổ tiên được thể hiện ở 3 cấp: gia đình, làng xã, đất nước.
Ở cấp độ gia đình, người Việt Nam thờ cúng ông bà, cha mẹ,… là những người cùng huyết thống đã chết. Đã là người Việt Nam, dù sang hèn, giàu nghèo khác nhau ai cũng thờ cúng cha mẹ, ông bà, tổ tiên của mình. Đây không chỉ là vấn đề tín ngưỡng mà còn là vấn đề đạo lý, phản ánh lòng biết ơn của con cháu đối với công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Nơi thờ cúng là ở gia đình và nhà thờ họ.
Ở cấp độ làng xã, người Việt còn thờ cúng những người có công với làng xã và được tôn vinh là Thành hoàng và nơi thờ cúng ở đình làng.
Ở cấp độ Nhà nước, người Việt thờ cúng những người có công đối với đất nước, như các Vua Hùng, Thánh Gióng, Trần Hưng Đạo, Hồ Chủ tịch…
Ở Việt Nam có 3 cộng đồng vốn từ xa xưa đã có quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhau, đó là: gia đình, làng xã và quốc gia. Vì vậy, tổ tiên gia đình, làng xã và đất nước không tách rời nhau. Từ thực tế đó, chúng ta có thể hiểu tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là một hiện tượng tâm lý xã hội thể hiện sự biết ơn của người còn sống đối với người đã chết có công lao với cá nhân, gia đình, dòng tộc, làng xã, đất nước, thể hiện niềm tin rằng, tổ tiên tuy đã chết nhưng linh hồn vẫn tồn tại ở một thế giới khác và linh hồn tổ tiên có khả năng tác động tới đời sống, số phận của con cháu thông qua các nghi lễ thờ cúng.
2. Sự hình thành tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam
Trong nhận thức dân gian, người Việt quan niệm rằng, con người có 2 phần: phần xác và phần hồn. Hai phần này vừa gắn bó, vừa tách biệt, chúng gắn bó với nhau. Khi con người còn sống, hồn nhập vào xác điều khiển hành vi của con người. Khi con người chết, phần hồn rời khỏi xác, thể xác của họ hòa vào cát bụi, phần hồn vần tồn tại và chuyển sang sống ở một thế giới khác (cõi âm). Ở Cõi Âm (được mô phỏng từ Cõi Dương) mọi linh hồn đều có các nhu cầu như cuộc sống nơi trần thế.
Nỗi lo sợ bị trừng phạt của con người không phải là yếu tố duy nhất và chủ yếu dẫn đến sự hình thành và phát triển tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt. Nếu chỉ vì sợ hãi mà con người phải thờ cúng thì tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên đã không thể tồn tại lâu bền và đầy giá trị nhân văn như vậy. Yếu tố tâm lý có vai trò quyết định trong việc duy trì tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt là sự tôn kính, biết ơn đối với các thế hệ trước, là tình yêu và lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, cha mẹ.
Trong cuộc sống con người còn gặp nhiều khó khăn, rủi ro, bất hạnh, sa cơ, lỡ vận, bệnh tật hiểm nghèo… luôn đe doạ sự bình an của con người. Con người còn thiếu tự tin vào chính bản thân khi phải đối mặt giải quyết với các vấn đề trên trong cuộc sống của chính bản thân họ. Họ luôn mong muốn có sự giúp đỡ của các thế lực khác nhau, trong đó họ cần đến sức mạnh của ông bà tổ tiên ở “thế giới bên kia” che chở, nâng đỡ. Từ quan niệm dân gian về linh hồn, người ta cho rằng, nếu không cúng tế linh hồn ông bà tổ tiên đầy đủ thì những linh hồn này trở thành ma đói và sẽ mang lại rủi ro, quấy nhiễu cuộc sống của những người đang sống. Trong cuộc sống của mỗi con người, càng về già, cái chết luôn là nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với mỗi người, con người không muốn nó diễn ra, ngay cả khi họ có cuộc sống nơi dương thế luôn gặp khó khăn và trắc trở, nhưng họ lại luôn phải đối mặt với nó. Thực hiện các lễ nghi thờ cúng tổ tiên trong không gian thiêng đó, mỗi người được trải nghiệm và cũng như một lần được chuẩn bị tâm thế chấp nhận cái chết một cách thanh thản, bình tĩnh và nhẹ nhàng hơn.
2.4. Ảnh hưởng của một số tư tưởng tôn giáo đến tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam
– Ảnh hưởng của tư tưởng Khổng giáo (Khổng giáo do Khổng Tử sáng lập): Tư tưởng của đạo Khổng là đề cao chữ hiếu và coi đó là nền tảng của đạo làm người. Theo Khổng Tử, sự sống của mỗi con người không phải do tạo hóa sinh ra, càng không phải do bản thân tự tạo, mà nhờ cha mẹ. Sự sống của mỗi người gắn liền với sự sống của cha mẹ, sự sống của cha mẹ lại gắn liền với sự sống của ông bà và cứ như vậy thế hệ sau là sự kế tiếp của thế hệ trước. Vì thế, con người phải biết ơn không chỉ với cha mẹ mà cả đối với thế hệ tổ tiên trước đó.
– Ảnh hưởng của tư tưởng Đạo giáo: Nếu như Khổng giáo đặt nền tảng lý luận về giá trị đạo đức, về trật tự kỷ cương xã hội cho tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt, thì Đạo giáo góp phần củng cố niềm tin vào sự tồn tại và năng lực siêu nhiên của linh hồn những người đã chết thông qua một số nghi lễ thờ cúng như: gọi hồn, bùa chú, ma chay, tang lễ, mồ mả và đốt vàng mã.
– Ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo:
Phật giáo có ảnh hưởng rất lớn đến sự giữ gìn và phát triển tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam, trước hết là quan niệm của Phật giáo về cái chết, về kiếp luân hồi và nghiệp báo,… Phật giáo đề cập rất nhiều đến thờ cúng tổ tiên theo cả hai nghĩa rộng và hẹp. Thờ cúng tổ tiên trong Phật giáo theo nghĩa rộng chính là thờ Phật. Phật thường được dân gian hiểu một cách nôm na là người sáng lập ra Phật giáo, là Buddha, mọi người gọi là ông Bụt, ông Phật hay đôi khi là “Phật tổ”. Hay những người đứng đầu, người sáng lập ra các tông phái Phật giáo và người kế thừa, những vị sư sáng lập chùa được các hậu duệ của họ gọi là “Sư tổ”. Các tự viện nơi họ được khai sáng thì gọi là “Tổ đình”. Theo nghĩa hẹp, cũng có nghĩa là thờ cúng ông bà, cha mẹ, những người có cùng huyết thống với mình. Chính vì vậy, chúng ta thấy rằng giữa Phật giáo và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên có những điểm tương đồng trong ý tưởng giáo dục, trong văn hóa tín ngưỡng và trong nghi lễ thờ cúng. Đây chính là cơ sở cho sự hội nhập giữa đạo Phật với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam.
Những tư tưởng cơ bản của Phật giáo có ảnh hưởng lớn lao đến sự phát triển của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt, nhưng không vì thế mà nó là sự sao chép y nguyên tư tưởng của Phật giáo. Người Việt Nam quan niệm rằng, cha mẹ và tổ tiên luôn lo lắng và quan tâm cho con cái ngay cả khi họ đã chết. Người sống chăm lo đến linh hồn người chết, vong hồn người chết cũng quan tâm đến cuộc sống của người đang sống.
3. Nghi thức thờ cúng tổ tiên
Việc bài trí bàn thờ gia tiên thường không giống nhau, điều này phụ thuộc vào quan niệm tâm linh và cả điều kiện kinh tế của gia đình. Nhìn chung, bàn thờ gia tiên nào cũng có một số đồ thờ chủ yếu sau: bài vị, bát hương, đĩa đèn, bình hoa, chén rượu, mâm đựng hoa quả… Các gia đình bình dân, đồ thờ thường được làm bằng gỗ hoặc sành sứ, còn các gia đình giàu có thế nào cũng có đồ thờ tự bằng đồng. Bàn thờ gia tiên của ngành trưởng phức tạp hơn ngành thứ, của chi trưởng phức tạp hơn chi thứ, gia đình con thứ, con út chỉ thờ vọng nên bài trí bàn thờ cũng đơn giản hơn con trưởng.
Việc thờ cúng tổ tiên tại gia đình thường được tiến hành quanh năm, xuất phát từ quan niệm dù đã khuất nhưng linh hồn họ vẫn luôn ở bên cạnh con cháu. Không chỉ cúng lễ trong các dịp quan trọng như tang ma, giỗ chạp, cưới xin…, không chỉ trong những ngày lễ tiết như Tết Nguyên đán, Thanh minh, Hàn thực, Đoan ngọ…, các ngày Sóc (ngày mồng một), Vọng (ngày rằm) theo chu kỳ tuần trăng, mà các vị tổ tiên còn được con cháu kính cáo mọi chuyện vui buồn: sinh nở, ốm đau, thi cử, đỗ đạt, kiện cáo, bất hòa, dựng vợ gả chồng… Con cháu còn kính mời các vị về hưởng thụ hoa trái đầu mùa, lễ tạ tổ tiên khi có phúc, có lộc. Có thể nói trong tâm thức những người sống tổ tiên là bất tử. Người Việt dâng hương, làm lễ cúng tổ tiên để báo cáo và để cầu tổ tiên phù hộ, hay để tạ ơn khi công việc thành công. Bản chất việc thờ cúng tổ tiên của người Việt là từ niềm tin người sống cũng như người chết đều có sự liên hệ mật thiết và hỗ trợ nhau. Con cháu thì thăm hỏi, khấn cáo tiền nhân. Tổ tiên thì che chở, dẫn dắt hậu thế nên việc cúng giỗ là thực hiện mối giao lưu giữa cõi dương và cõi âm.
Thay lời kết
Là một loại hình tín ngưỡng dân gian từ lâu đã thấm đượm và ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tinh thần của mọi người dân Việt Nam, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên có sức sống lâu bền. Tín ngưỡng này không chỉ chứa đựng những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp của dân tộc mà còn thể hiện quan niệm của người Việt về thế giới, về nhân sinh. Do vậy, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên có ảnh hưởng tích cực tới đời sống của mỗi cá nhân, cộng đồng và xã hội. Sự ảnh hưởng này được thể hiện thông qua hệ thống giá trị của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên được chuyển tải vào hoạt động giáo dục nhân cách con người Việt cũng như trong việc thoả mãn nhu cầu tâm linh của mỗi cá nhân.
Bạn đang xem bài viết Một Số Tập Tục Tín Ngưỡng Trong Nghề Buôn Ở Hội An trên website Iseeacademy.com. Hy vọng những thông tin mà chúng tôi đã chia sẻ là hữu ích với bạn. Nếu nội dung hay, ý nghĩa bạn hãy chia sẻ với bạn bè của mình và luôn theo dõi, ủng hộ chúng tôi để cập nhật những thông tin mới nhất. Chúc bạn một ngày tốt lành!