Phong tục cúng giỗ có từ ngàn đời của dân tộc chúng ta, đây là phong tục giúp cho con cháu chúng ta nhớ ơn tổ tiên,thể hiện lòng hiếu thảo đến với ông bà cha mẹ đã sinh thành ra chúng ta. Khi người mất đi chúng ta có phong tục tổ chức giỗ cho những người đã khuất và trong ngày giỗ đó ngoài chuẩn bị các món đồ lễ, cơm cúng thì quan trọng hơn phải có bài văn khấn cúng giỗ ông bà cha mẹ hay người đã mất sao cho đúng nhất.
Cúng giỗ ông bà cha mẹ và ý nghĩa của nó
Giỗ ông bà cha mẹ là một buổi lễ, nghi thức theo phong tục tập quán của người Việt nhằm tưởng nhớ đến những người đã qua đời. Giỗ được tổ chức vào đúng ngày mất theo Âm lịch của người được thờ cúng. Ý nghĩa của giỗ là để nhắc nhở con cháu về những người đã đi trước, gắn kết tình cảm của các thành viên trong cùng một gia đình, dòng họ, đôi khi trong cùng nghề.
Những ngày quan trọng trong cúng giỗ của người mất
Đối với người mất thì gia đình phải cần làm ba lần giỗ quan trọng đó là giỗ đầu, giỗ hết và giỗ thường niên năm nào cũng sẽ làm giỗ, tất nhiên trong những ngày giỗ đó sẽ không thiếu được các bài văn khấn giỗ cho từng lần giỗ đó.
Giỗ đầu là như thế nào và văn khấn cho ngày giỗ đầu như nào.
Giỗ Đầu gọi là Tiểu Tường , là ngày giỗ đầu tiên sau ngày người mất đúng một năm, nằm trong thời kỳ tang, là một ngày giỗ vẫn còn bi ai, sầu thảm. Thời gian một năm vẫn chưa đủ để làm khuây khỏa những nỗi đau buồn, xót xa tủi hận trong lòng của những người thân. Trong ngày Giỗ Đầu, người ta thường tổ chức trang nghiêm không kém gì so với ngày để tang năm trước, con cháu vẫn mặc đồ tang phục. Lúc tế lễ và khấn Gia tiên, những người thân thiết của người quá cỗ cũng khóc giống như ngày đưa tang ở năm trước. Nhà có điều kiện thì có thể thuê cả đội kèn trống nữa
Sắm lễ
Vào ngày Giỗ Đầu, ngoài mâm lễ mặn và hoa, quả, hương, phẩm oản… thì người ta thường mua sắm rất nhiều đồ hàng mã không chỉ là tiền, vàng, mã làm bằng giấy mà còn cả các vật dụng như quần, áo, nhà cửa, xe cộ và một hình nhân. Hình nhân ở đây không có nghĩa là thế mạng cho người thật (người còn sống) mà là do nhân dân tin rằng, với phép thuật của thầy phù thủy thì hình nhân này sẽ hóa thành một người thật, xuống dưới Âm giới để hầu hạ vong linh người mất. Gia chủ sẽ đem những đồ lễ này lên bàn thờ để cúng. Cúng xong thì đem ra ngoài mộ để đốt.
Những đồ vàng mã trong ngày Tiểu Tường được gọi là mã biếu, vì khi những đồ lễ này được gửi từ cõi Dương gian xuống dưới cõi Âm ty thì người quá cố và Gia tiên không được dùng, mà phải đem những đồ lễ này đi biếu các Ác thần để tránh sự quấy nhiễu.
Sau khi lễ Tạ và hóa vàng xong, gia chủ bầy cỗ bàn mời họ hàng, khách khứa ăn giỗ. Khách đến ăn giỗ ăn mặc trang nghiêm, vẫn còn một sự bi ai, sầu thảm như ngày để tang năm trước.
Sau lễ này, người ta sẽ sửa sang lại mộ cho người quá cố, thi hài vẫn nằm dưới huyệt hung tán
Giỗ hết và văn khấn cúng giỗ cho ngày giỗ hết của ông bà bố mẹ
Giỗ Hết gọi là Đại Tường , là ngày giỗ sau ngày người mất hai năm. Thời gian hai năm cũng vẫn chưa đủ để hàn gắn những vết thương trong lòng những người còn sống. Trong lễ này, người ta vẫn tổ chức trang nghiêm. Ngày giỗ đầu con cháu vẫn đeo tang để tưởng nhớ người mất. Nhà có điều kiện thì có thể thuê cả đội kèn trống nữa.
Sắm lễ
Vào ngày Giỗ Hết, ngoài mâm cơm cúng thì còn mua vàng mã và các đồ vật dụng, xe cộ giống như trong ngày Giỗ Đầu. Vàng mã được đốt cho người quá cố cũng nhiều hơn ngày Giỗ Đầu.
Sau khi lễ Tạ và hóa vàng xong, gia chủ bầy cỗ bàn mời họ hàng, khách khứa ăn giỗ. Diện mời đến ăn giỗ dịp này thường đông hơn lễ Tiểu Tường, cỗ bàn cũng làm linh đình và công phu hơn.
Sau ngày lễ này hết hai tháng, đến tháng thứ ba người ta sẽ chọn ngày tốt để Trừ phục (còn gọi là Đàm tế) tức có nghĩa là Bỏ tang, người thân sẽ đốt hết những áo quần tang, gậy chống. Sau đó, người đang sống sẽ trở lại cuộc sống thường nhật, có thể tổ chức hay tham gia các cuộc vui, đình đám và người vợ mới có thể đi bước nữa (nếu chồng mình mất). Đây là một buổi lễ vô cùng quan trọng, vì nó là một bước ngoặt đối với người đang sống và vong linh của người đã mất.
Giỗ thường và văn khấn cúng giỗ ông bà ngày giỗ thường
Giỗ Thường còn gọi là ngày Cát Kỵ , là ngày giỗ sau ngày người mất từ ba năm trở đi. Cát kỵ nghĩa là Giỗ lành. Trong lễ giỗ này, con cháu chỉ mặc đồ thường phục bình thường,không còn buồn như trước nữa.
Ngày giỗ thường được duy trì đến hết năm đời. Ngày giỗ thường thì chủ yếu con cháu họ hàng qua thăm hỏi nhau. Ngồi quây quần uống chén trà chén rượu nói chuyện với nhau.
Sắm lễ
Trong lễ giỗ này, người ta thường làm cỗ bàn bình thường tùy vào từng gia đình. Người ta cũng đốt nhiều vàng mã cho người cõi âm có cái dùng như ngày giỗ khác.
Sau khi cúng xong đợi hết tuần nhang thì mời khách dùng cỗ nói chuyện. Diện này chỉ thường mời khách gọn trong phạm vi họ hàng (không rộng như hai giỗ trước). Ngày giỗ thường này thì khách đến chủ yếu là anh em họ hàng ngồi uống chén rượu nhạt.