“đói Ngày Giỗ Cha, No Ba Ngày Tết”
--- Bài mới hơn ---
“Thưa thầy, lớp chúng em vẫn tranh luận với nhau về ý nghĩa của câu tục ngữ đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết. Tranh luận nhiều nhưng mỗi người một ý. Em có đem câu này về nhà hỏi bố mẹ thì bố em cũng chịu. Bố em còn bảo: “Ông nội của con mất đã lâu, giỗ nhiều lần rồi nhưng con cái chưa phải chịu đói bao giờ cả”.
Đây có phải là một câu nói cho vui không ạ?”. Đó là lời của bạn Trần Thu Thảo – lớp trưởng lớp Văn (2008-2011), Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội – hỏi tôi (nhân một sinh hoạt khoa học cuối năm có mời tôi làm báo cáo viên chính).
Không riêng gì bạn Trần Thu Thảo, thú thực, bản thân tôi nhiều lúc cũng không rõ nguyên do từ đâu dẫn đến câu tục ngữ này. Hầu hết các sách sưu tầm văn hoá dân gian chỉ thống kê chứ chưa giải thích kỹ câu đó (trừ một số câu khá đặc biệt). Đầu năm 2010, khi cuốn “Từ điển tục ngữ Việt” (Nguyễn Đức Dương, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2010) xuất bản, tôi vội vã tra ngay. Mục từ này được giải thích như sau: “Hay bị đói là vào dịp giỗ cha (vì đâu còn lúc nào mà nghĩ tới chuyện ăn trong khi đang mải lo chuyện cúng giỗ); hay được ăn no là vào ba ngày Tết (vì đó là một thông lệ vốn có tự ngàn xưa)”. Cách cắt nghĩa như vậy cũng thật chưa rõ ý.
Vào ngày Tết, mọi người được nghỉ ngơi, vui chơi, chúc tụng và ăn uống no nê đủ đầy có lẽ là chuyện không phải bàn cãi. Khôn ngoan đến cửa quan mới biết / Giàu có ba mươi Tết mới hay; Số cô chẳng giàu thì nghèo / Ngày ba mươi Tết thịt treo trong nhà; Làm như ba ngày mùa để đâu cho hết / Ăn như ba ngày Tết lấy gì mà ăn; v.v.
Người Việt Nam ta từ ngày xưa, vẫn coi cái Tết (Nguyên đán) là một thời khắc hệ trọng, thiêng liêng. Cho nên dù khó khăn, nghèo đói đến mấy thì khi Tết về, ai cũng đều phải lo sửa sang nhà cửa, tu sửa bàn thờ tổ tiên, sắm sanh nhiều thức ăn ngon… để thết đãi khách và nhất là để gia đình mình “no đủ cả năm” (theo tín ngưỡng, năm mới không được thiếu thứ gì). Thời buổi bây giờ thì khác. Người ta không đến nỗi phải chờ hết năm mới có cơ hội “đánh đụng” lợn, giã giò, gói bánh chưng, đồ xôi gấc… mà nếu muốn thì lúc nào cũng có thể “kéo Tết về nhà” bằng cách ra chợ mua đủ thứ. Song, dù thế nào, cứ đến Tết là khắp nơi, không ai bảo ai, vẫn cứ “hăng hái” mua sắm thật nhiều. Cái lệ đã thế rồi mà. Tết chẳng riêng ai, Tết mọi nhà / Quê hương, làng xóm, ông bà, tổ tiên…
Vấn đề mọi người thắc mắc là ở chỗ, chả lẽ ngày giỗ cha (thường cũng làm cỗ bàn khá linh đình) mà lại phải chịu đói hay sao? Mà chính con cái lại là người chịu đói mới lạ chứ?
Tôi đã có dịp hỏi các cụ cao niên ở nhiều nơi tôi qua (Đông Cứu, Gia Lương, Hà Bắc; Yên Xá, Ý Yên, Nam Định; Quỳnh Côi, Quỳnh Phụ, Thái Bình…) thì biết rõ một điều: Phong tục cũng giỗ ngày xưa (ở một số vùng Việt Nam) khá khắt khe. Giỗ song thân phụ mẫu là giỗ trọng (nhất là ba năm đầu, chưa hết tang). Vào ngày giỗ, con cháu phải theo tang chế (mặc đồ tang, con gái đội khăn xô, con trai đội nùn rơm, chống gậy), đứng trước bàn thờ cha (mẹ) từ sáng sớm. Con trai trưởng phải thường xuyên túc trực, theo dõi đèn nhang và cung kính đáp lễ mỗi khi có khách vào thắp hương tưởng nhớ người quá cố. Việc tiếp đón, mời cơm khách do người nhà gia chủ lo liệu, các con (nhất là con trai) phải nghiêm chỉnh thực hiện nghi lễ bên bàn thờ cho đến khi người khách cuối cùng (đến chia sẻ, ăn uống) chào ra về.
Tất tả chuẩn bị từ mấy ngày trước, lại phải tập trung lo lắng cho ngày chính giỗ, nên hầu như con cái nhà có đám ít được ăn uống chu đáo. Đấy là chưa nói, còn một số nơi bắt con cái phải nhập phép “tịnh cốc” (không được ăn mặn hay các loại ngũ cốc, chỉ uống nước lã đun sôi) để tỏ lòng hiếu thảo với cha mẹ trong ngày này. Nhiều người con, cha mẹ mới mất, vì vẫn còn nhớ thương sầu thảm, cũng chẳng có bụng dạ nào mà ăn uống cả. Vậy thì dù là ngày giỗ cha, có mâm cao cỗ đầy thật đấy, nhưng chuyện họ phải mang bụng đói trong ngày này là điều có thực và cũng là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Quan niệm đó ngày nay đã khác. Các nghi thức cơ bản về giỗ chạp tất nhiên vẫn còn được duy trì, nhưng đã thay đổi khá nhiều cho phù hợp với điều kiện hiện tại và phải thừa nhận là càng ngày người ta càng đơn giản hơn. Tôi không rõ là còn nơi nào đó vẫn giữ phong tục cầu kì (như trên vừa nói không) chứ nói chung, chuyện hiếu hỉ bây giờ đã tiến triển theo chiều hướng “văn minh, hiện đại”. Ít có con cái phải rơi vào cảnh “bụng đói meo” trong ngày giỗ cha. Tuy nhiên, nhân Tết Nhâm Thìn đang đến, ta cùng ôn lại chuyện cũ để “nhớ lại một thời”, âu cũng là công việc cần làm để “ôn cố tri tân”.
PGS-TS Phạm Văn Tình
--- Bài cũ hơn ---