Hầu hết trẻ sơ sinh đều thức dậy vào ban đêm nên mẹ phải dỗ bé ngủ lại. Khi trẻ lớn hơn số lần thức dậy quấy khóc sẽ giảm dần nhưng chưa hết hoàn toàn. Nghiên cứu gần đây đã cho thấy việc trẻ thức đêm là bình thường. 66% trẻ 6 tháng tuổi vẫn thức giấc ban đêm ít nhất một hoặc hai lần mỗi tuần và những bé còn lại thức dậy thường xuyên hơn. Thâm chí một số bé vẫn còn quấy khóc khi thức dậy lúc 12 tháng tuổi tuy không phải là phổ biến.
Giúp trẻ quay lại giấc ngủ dễ dàng là một việc quan trọng mang lại cho cả bé và mẹ thời gian nghỉ ngơi cần thiết.
Trẻ nhỏ (đặc biệt là trẻ sơ sinh) chưa có khả năng điều chỉnh trạng thái cảm xúc. Đây là một trong những lý do tại sao trẻ có xu hướng khóc nhiều trong hai đến ba tháng đầu và giảm dần sau đó. Trẻ sơ sinh quấy khóc cả ngày vì nhiều lý do như đói, đau hoặc những khó chịu khác hoặc đôi khi chỉ đơn giản là trẻ mong muốn được bế ẵm. Ví dụ, bế trẻ sơ sinh từ 3 đến 4 giờ mỗi ngày có thể giúp giảm thời gian trẻ quấy khóc tới 43% ở nhóm trẻ sáu tuần tuổi (theo Hunziker & Barr, 1988).
Quấy khóc là cách phổ biến nhất mà trẻ sơ sinh dùng để truyền đạt nhu cầu của mình. Lý do khiến trẻ quấy khóc không phải lúc nào cũng rõ ràng, nhưng chắc chắn, việc thể hiện các dấu hiệu không hài lòng của trẻ khiến người lớn nhìn thấy và nghe thấy là một kỹ năng bảo vệ quan trọng của trẻ sơ sinh cho thấy trẻ có khả năng thích nghi cao.
Khi buồn bực, trẻ phụ thuộc vào cảm giác có được từ mẹ, giọng nói êm dịu, mùi cơ thể, ánh mắt, hay được bú mẹ để bình tĩnh. Đó là những phản xạ hết sức tự nhiên. Trẻ nhỏ dựa vào cha mẹ để trấn an mình và giải quyết những cảm xúc khiến chúng không vui hoặc không thoải mái như đau đớn, đói, hoặc cảm xúc nào đó mà người lớn có thể nhận thấy. Điều đó giúp trẻ trở lại giấc ngủ nhanh hơn.
Dỗ trẻ nín giúp trẻ học cách bình tĩnh
Bằng cách dỗ dành trẻ, cha mẹ có thể giúp trẻ sơ sinh phát triển các công cụ giáo dục cả về mặt sinh lý và cảm xúc để tự trấn tĩnh mình. Nhiều bậc cha mẹ thường ngần ngại có mặt khi con khóc, sợ rằng việc dỗ dành trẻ sẽ khiến trẻ không thể tự mình đối phó với những chuyện buồn phiền sau này. Nhưng điều đó chỉ khiến trẻ càng thêm quấy khóc và phụ thuộc.
Để mặc bé khóc sẽ làm tăng mức độ căng thẳng của bé và thường khiến chúng tỉnh táo lâu hơn. Việc này không dạy trẻ cách kiềm chế cảm xúc. Thay vào đó, để phát triển thói quen ngủ lành mạnh, cần có sự hướng dẫn nhẹ nhàng của cha mẹ. Dần dần, điều này tạo nên một đứa trẻ mạnh mẽ, tự lập, có thể tự trấn an mình khi gặp thử thách.
Tại sao một số trẻ sơ sinh quấy khóc nhiều hơn so với các bé khác?
Khi trẻ quấy khóc, chúng nhận được nhiều sự chú ý hơn từ đó có được cảm giác an toàn. Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần hiểu rằng mỗi trẻ có một tiêu chuẩn riêng về cảm giác an toàn. Nhưng mức độ thường xuyên và thái độ khi quấy khóc của trẻ cũng thật đa dạng. Những khác biệt này được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố, bao gồm tính khí, kinh nghiệm và sự trưởng thành về sinh lý. Do đó, nhu cầu được dỗ dành là khác nhau đối với từng trẻ.
Khi nào việc thức giấc ban đêm của trẻ là nghiêm trọng?
Chúng ta đều biết rằng việc trẻ sơ sinh thức dậy nhiều lần trong đêm là bình thường, đặc biệt nếu trẻ bú mẹ. Hơn nữa, nghiên cứu ban đầu về hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS) cho thấy trẻ thức dậy thường xuyên vào ban đêm sẽ ít gặp phải nguy cơ này hơn những trẻ khác.
Sau khi trẻ vượt qua giai đoạn nguy cơ cao bị SIDS đồng thời giấc ngủ của trẻ trở nên ổn định hơn, nghiên cứu cho thấy nhiều trẻ vẫn tiếp tục thức giấc trong đêm.
Điểm mấu chốt ở đây là: Trẻ khóc khi thức giấc là hành vi hết sức bình thường. Việc giúp trẻ cảm thấy được an ủi sẽ hỗ trợ khả năng phát triển của trẻ sau này.
4 cách dỗ dành trẻ sơ sinh quấy khóc cả ngày dành cho mẹ
Ba tháng đầu đời được nhiều người gọi là “tam cá nguyệt thứ tư” đòi hỏi cha mẹ đóng vai trò như một “tử cung biết đi” để giúp bé sơ sinh làm quen với thế giới mới. Một số em bé dễ dàng thích ứng, số khác thì khó khăn hơn. Nhiều bậc cha mẹ cố gắng để làm dịu em bé bằng cách tạo lại nhiều trải nghiệm thoải mái, quen thuộc mà trẻ có được trong thời gian ở trong tử cung của mẹ. Đối với tất cả các bé, những kỹ thuật xoa dịu này có thể giúp trẻ sơ sinh hay quấy khóc rất nhiều.
1. Tạo chuyển động đều
Tử cung là một không gian di chuyển liên tục và các bé thường có xu hướng phản ứng bằng cách thực hiện các chuyển động như nhảy múa, lắc lư từ bên này sang bên kia. Tạo các chuyển động đều có thể mang lại cho bé cảm giác như được quay trở lại tử cung của mẹ khiến bé phân tâm và quên khóc.
2. Cách dỗ trẻ sơ sinh khóc: Âu yếm, tiếp xúc da với da cùng bé
Việc tiếp xúc với làn da ấm áp tự nhiên được chứng minh là có thể làm dịu trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nó giúp ổn định nhiệt độ cơ thể, nhịp tim và hormone gây căng thẳng và kích thích giải phóng oxytocin – hormone tình yêu và tăng liên kết giữa mẹ và bé.
3. Tạo âm thanh quen thuộc giúp trấn an trẻ sơ sinh hay quấy khóc
Thời kỳ bé sơ sinh trong bụng mẹ được ghi dấu bằng nhiều âm thanh nhịp nhàng. Âm thanh tương tự như những đứa trẻ nghe thấy trong bụng mẹ có thể rất êm dịu. Những âm thanh như “tiếng ồn trắng” có thể làm cho bé thư giãn trong khi làm chậm tần số sóng não khiến bé buồn ngủ.
4. Giúp trẻ sơ sinh học cách đối phó với cảm giác đói
Đói là một cảm giác mới mẻ với trẻ sơ sinh và trẻ khó có thể bình tĩnh khi cảm thấy đói. Cho bé ăn khi thức dậy vào ban đêm có thể giúp bé dần ngủ trở lại. Đặc biệt là khi ánh sáng và các tương tác được giữ ở mức độ kích thích thấp. Các bé cũng nhận thấy mút tay là công cụ thư giãn và thoải mái tối đa và an toàn.
Các thói quen ngủ có thể giúp xoa dịu bé sơ sinh quấy khóc
Ôm bé thật gần
Giữ bé gần gũi giúp chia sẻ hơi thở, sự âu yếm và hơi ấm. Các em bé thường bình tĩnh hơn và dễ ngủ hơn nếu chúng ngủ cùng hoặc gần mẹ. Nhịp thở chung và tiếp xúc da với da với mẹ có thể mang đến cho bé lợi ích bất ngờ. Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo ngủ cùng bé không chỉ giúp cho cả mẹ và bé có thêm thời gian ngủ mà còn có tác dụng làm tăng thời gian cho con bú. Ngủ chung còn mang đến cho mẹ sự tiện lợi khi cho con ăn vào ban đêm đồng thời ít gây xáo trộn hơn cho cha mẹ và trẻ.
Khi nào không nên ngủ chung với trẻ?
Nếu cha hoặc mẹ nghiện rượu hoặc các chất kích thích khác thì không nên cho trẻ ngủ chung giường. Khi mẹ hay người lớn quá mệt mỏi và buồn ngủ cũng vậy. An toàn nhất là cho trẻ ngủ riêng gần giường. Và cuối cùng, các mẹ nên tránh ngủ cùng trẻ sơ sinh trên ghế dài, ghế sofa hoặc ghế bành vì nguy cơ bị ngạt thở rất lớn.
Theo: theAsianparent Singapore